Trang thông tin điện tử phường Mai Hùng

https://maihung.gov.vn


Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Kim Lung ở phường Mai Hùng

Di tích đền Kim Lung được xây dựng vào khoảng thời Lý, tọa lạc ở làng Kẻ Trường xưa (nay là Khối 2-5 phường Mai Hùng,thị xã Hoàng Mai) là nơi tôn thờ, tưởng niệm các vị thần bản thổ và các bậc tiền nhân đã có công bảo quốc, hộ dân giúp làng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, tiêu biểu là cụ: Cao Sơn, Cao Các, Hàn Sơn và Hiệp Sơn…Các cụ là những vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, giỏi võ nghệ, đã từng tham gia nhiều trận đánh lớn, lập nhiều chiến công trong việc giúp nước, an dân nên đã được Triều đình nhiều lần phong thưởng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

 

Ngược dòng lịch sử, theo truyền thuyết: Cao Sơn tên thật là Cao Hiển, tự là Văn Trường, người quê Bảo Sơn, quận Nam Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cao Hiển sinh năm Bính Ngọ. Thuở nhỏ là người thông minh, chính trực, học rộng hiểu sâu, thuộc làu kinh sử, văn võ song toàn. Năm 15 tuổi đã mồ côi cha mẹ, năm 22 tuổi niên hiệu Tống Hy Ninh đỗ Tiến sĩ, được Vua Tống khen thưởng và giữ lại Triều đình làm Thừa tướng. Năm 29 tuổi vâng mệnh Vua, đi bình giặc ở Tây Di, dẹp xong giặc trở về, cụ được phong làm Thừa tướng kiêm Nguyên soái Đại Tướng quân và được triều đình phái sang làm sứ thần ở Đại Việt. Cụ nhận chức ở trấn Nghệ An, khi đi qua trang Phúc Bội, huyện Lương Giang, thấy xứ Bến Tiên ở trên núi Đại Liễu là nơi có thế đất tốt, cụ cho lập cung đàn gọi là Bến Tiên. Từ đây, mỗi khi nhân dân có bệnh tật, đến cung đàn làm lễ cầu đều rất linh ứng.                                             

Trong những năm làm sứ thần ở An Nam, Cao Hiển hiểu rõ nổi thống khổ của dân An Nam khi gặp nạn sâu keo tàn phá, mùa màng thất bát, Cao Hiển một mặt xin Vua nhà Tống giảm bớt các khoản triều cống. Mặt khác giúp dân An Nam cách diệt trừ sâu keo, thú dữ, dạy cách phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế. Nhờ đó, dần dần cuộc sống của nhân dân được ổn định hơn. Ông mất  năm 103 tuổi, mộ táng tại núi Đại Liễu. Vua Tống giao cho nhân dân lập đàn làm lễ điếu. Cao Hiển là vị quan có lòng khoan dung độ lượng, hết lòng vì cuộc sống của nhân dân, giúp dân chữa bệnh, sản xuất. Sau khi ông mất, Vua Tống phong ông làm “An Nam Quốc Vương”  và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ ngài.

Cao Các sinh ngày 6-1-938, người làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô. Thuở nhỏ, Cao Các là một cậu bé thanh tú. Càng lớn Cao Các càng trở nên thông minh, tài trí, học giỏi và có sức khoẻ phi thường, được mọi người trong làng yêu mến và khen ngợi là “thần đồng”.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước hỗn loạn, nội chiến bị chia cắt bởi loạn 12 sứ quân. Trước tình cảnh đó, để có điều kiện giúp cho đất nước được thái bình, Cao Các quyết tâm đi tìm gặp Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh thấy Cao Các có tư chất thông minh, chính trực, giỏi võ nghệ, hỏi về học vấn đối đáp trôi chảy nên ông phong cho Cao Các làm chức Giám nghị đại phu và giao cho 5 vạn binh tinh nhuệ phò giúp Đinh Bộ Lĩnh đi dẹp loạn. Bằng sức mạnh của tuổi thanh niên với tài thao lược, dụng binh, kết hợp với tư chất thông minh, Cao Các đã cùng các tướng sĩ lần lượt dẹp yên được loạn 12 sứ quân, đưa non sông thu về một mối.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về Hoa Lư - Ninh Bình, xây dựng Kinh đô và lên ngôi Hoàng đế lập nên vương triều nhà Đinh, lấy tên nước là Đại Cồ Việt. Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh (tức huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ngày nay). Cao Các đến trấn thủ vùng đất này, thấy ở đây có phong cảnh sơn thủy hữu tình, dân cư lại ôn hoà, nên ông cho quân sĩ lập quân cư và sống với nhân dân, giúp nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, luyện tập võ nghệ cho binh sĩ để sẵn sàng giúp Vua bảo vệ đất nước.

Năm 971, khi giặc Chiêm Thành đem quân sang xâm lược nước ta, Vua Đinh lại triệu Cao Các về Triều và giao cho 5 vạn tinh binh và lĩnh ấn kiếm đi đánh giặc. Với tài thao lược dũng mãnh, Cao Các đã đánh đuổi được quân giặc ra khỏi biên cương và giành thắng lợi vẻ vang. Vua Đinh thưởng công Cao Các rất hậu và cho cụ ở lại Triều đình nhưng cụ xin về quê sống một cuộc sống an bình ở vùng đất An Ninh và cụ bị bệnh mất đột ngột tại quê nhà. Tin báo về Triều, nhà Đinh thương tiếc giao cho nhân dân lập miếu thờ. Đến thời Lý Thái Tổ thấy đền miếu thiêng, biết ông là trung thần nhà Đinh bèn phong tặng“Mỹ Tự Đại Vương”. Các triều đại về sau gia phong cho ông là: “Thượng thượng đẳng tối linh Tôn Thần”.

Hiệp Sơn tên huý là Đậu Khánh Hoà, quê ở làng Kẻ Trường xưa. Vùng đất này xưa kia địa hình tương đối khó khăn, bốn bề là biển cả, lương thực chủ yếu tự cung tự cấp, dân làng dựa vào nghề chài lưới đánh bắt hải sản. Trước cảnh khổ cực, bần hàn của nhân dân như thế, ngài Hiệp Sơn là người đã có công giúp dân quai đê ngăn mặn của nước biển, giúp làng khai phá cánh đồng Hiệp, hướng dẫn nông dân mở mang ruộng đồng, phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Vì thế, nhân dân trong làng gọi ngài là ngài Hiệp Sơn (mang tên cánh đồng Hiệp). Ngài còn chỉ huy đánh dẹp giặc Lé, giặc Chiếng (là những tên tướng cướp nổi loạn) và giành thắng lợi vẻ vang, được quan huyện thưởng cho 140 quan tiền. Về sau tuổi cao, sức khoẻ yếu mất tại làng Kẻ Trường. Để tưởng nhớ đến công lao của ngài, nhân dân trong làng tôn làm hậu thần thờ ở đền Kim Lung. Đến Triều đình nhà Nguyễn phong sắc cho ngài “Dực bảo Trung Hưng” sau truy tặng “Đoan túc tôn thần”.

Hàn Sơn tên huý là Nguyễn Cự, quê ở làng Kẻ Trường xưa. Từ nhỏ cụ đã thể hiện tính thông minh, hiếu học, có chí. Năm 18 tuổi cụ đã thi đậu tú tài và nhận chức thị giảng tại Viện hàn lâm. Khi tuổi đã cao, cụ nghỉ hưu về làng mở trường dạy học cho nhân dân để mở mang dân trí và phát triển văn hóa. Cụ là một nhà giáo rất có tâm, hết lòng vì học trò của mình, trò nào chưa hiểu cụ đều nhẹ nhàng, ân cần chỉ bảo đến nơi đến chốn, trò nào nhà nghèo không có tiền để đi học, thì cụ vận động đến lớp học và không lấy tiền. Sau này có rất nhiều người đã thành danh, đỗ đạt rất cao từ sự dạy dỗ của cụ. Vì vậy để tưởng nhớ công ơn của cụ, nhân dân tôn làm hậu thần được thờ ở đền Kim Lung để bốn mùa hương khói.

Hiện nay, di tích còn lưu giữ được một công trình kiến trúc cổ, các hiện vật quý như Thần phả, long ngai, bài vị, câu đối các mảng chạm khắc trên gỗ rất có giá trị nghệ thuật... những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng trong những dịp lễ hội như: Lễ cầu yên, cầu phúc, những trò chơi dân gian như đánh cờ thẻ, chọi gà, đấu vật... hát Tuồng, Chèo, Cải lương... đã góp phần to lớn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của địa phương cũng như giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hàng năm, vào dịp đầu xuân dân làng tổ chức lễ tế khai xuân 7-1(Âm lịch). Đặc biệt là Lễ kỳ phúc 10-3 (Âm lịch), hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân hội tụ về đây để thắp nén hương, tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc đã tạo nên nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của một vùng quê mang đậm bản sắc văn hoá của Xứ Nghệ. Từ lễ hội này để chúng ta đưa hoạt động của di tích vào nề nếp có tổ chức, bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc xứng tầm là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tác giả bài viết: Hồ Thanh Khương

Nguồn tin: maihung.gov.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây